Từ ngày dịch lợn tai xanh bùng phát, chị Hoa cắt hẳn thịt lợn khỏi khẩu phần ăn hàng ngày của cả nhà và thay vào đó là các loại thịt bò, gà, cua, tôm, cá...
"Không biết phân biệt lợn bị bệnh với lợn khỏe nên chọn giải pháp nói không với thịt lợn cho chắc ăn. Dù thế nào đi nữa, đã là thịt bệnh ăn vào không gây bệnh trực tiếp thì cũng để lại nhiều loại virus tiềm ẩn nguy hiểm trong cơ thể. Vì thế tốt nhất đợi đến khi hết dịch rồi mới ăn lại", chị Hoa, quê Đồng Nai quả quyết.
Người mẹ trẻ cũng dặn chồng, con không ăn các món có dùng thịt lợn ở quán xá. Chị Hoa cho biết ở xóm nhà chị, lợn bắt đầu đổ bệnh và chết hàng loạt từ hồi đầu tháng 8. Tuy nhiên chỉ có một phần lợn bệnh bị thiêu hủy, còn đa phần được bán tháo ra thị trường với giá rẻ nên khả năng các bà nội trợ mua phải thịt bệnh là rất cao.
Do khó phân biệt thịt lợn lành hay bệnh nên nhiều nội trợ chọn giải pháp 'nói không với thịt lợn' để phòng lây bệnh. Ảnh: Thiên Chương.
Bà Thanh ở quận 1, TP HCM, theo thói quen cuối tuần đi chợ mua thịt lợn về ướp sẵn trữ trong tủ lạnh. Hai hôm sau mang ra chế biến, miếng thịt trở nên xanh đen, bốc mùi thối không chịu nổi. Bà chủ gia đình than: "Tôi đã chọn quầy bán thịt lớn nhất chợ, lại là mối quen từ bao lâu nay, mà vẫn mua phải thịt bệnh thì không thể tin tưởng được". Bà quyết định tạm thời loại lợn ra khỏi thực đơn gia đình.
Nhiều bà nội trợ cũng cẩn trọng như bà Thanh, khiến ở các chợ gần đây quầy thịt lợn thì ế ẩm, trong khi gà, cá các loại tăng giá ào ào. Bà Vân thường đi chợ Thái Bình ở quận 1, TP HCM, cho biết, cá thát lát bình thường bán 15.000 đồng một 100 gr, dạo này tăng liên tục lên 20.000, rồi 25.000 và đến hôm chủ nhật vừa rồi giá đến 27.000 đồng một 100 gr. "Người bán cứ xin lỗi suốt, bảo là không có hàng để bán vì nhiều người bỏ thịt lợn sang mua cá", bà Vân kể.
Nhiều sinh viên tại làng đại học Thủ Đức, TP HCM, cũng bắt đầu hạn chế thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày bởi lo ngại nơi đây tiêu thụ nhiều thịt lợn bệnh từ các vùng dịch của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu...
Quốc Đại, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, trước đây các bạn trong phòng hay mua thịt lợn về kho, luộc hoặc nấu canh để đảm bảm đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên từ khi đọc báo thấy nhiều trường hợp người chết vì nhiễm virus từ lợn nên mọi người trong phòng dặn dò nhau hạn chế mua thịt lợn về ăn.
"Thịt lợn ngon, dễ chế biến lại rẻ nên tụi em hay mua về chế biến, nhưng từ khi nghe tin dịch bệnh ăn vào cũng thấy dờn dợn. Bọn em dặn dò nhau phòng bệnh hơn chữa bệnh nên chỉ ăn trứng, đậu hũ hay tôm tép cho lành. Tuy nhiên lâu lâu thấy ngán quá cũng mua thịt lợn về nhưng phải chế biến rất cẩn thận mới dám ăn", Đại nói.
Tại khu chợ Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhiều tiểu thương giết mổ lợn than trời vì thịt ế ẩm không có người mua. Ở đây số sạp bán thịt lợn giảm hơn một nửa, nhiều chủ nhân các lò mổ đã tạm thời chuyển sang bán thịt gia cầm hoặc hải sản.
Bà Trang, chủ sạp thịt lợn lớn nhất khu chợ này cho biết, trước đây lò mổ của gia đình bà giết hơn 10 con lợn mỗi ngày vẫn không đủ để bán trong phiên chợ sáng. Thế nhưng từ hơn hai tháng nay bà cho ra thị trường chỉ 4-5 con mỗi ngày để cầm chừng, chờ hết dịch mà vẫn ế ẩm không ai mua.
"Có ngày tôi phải mang thịt đi bán dạo mãi đến chiều mới hết. Mặc dù thịt của mình bán có mộc kiểm dịch của thú y nhưng tâm lý bà con họ vẫn sợ. Gia đình tôi cũng đang tính chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác chứ cứ tình hình này thất nghiệp mất thôi", bà Trang thở dài.
Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quán ăn giá rẻ ở khu vực làng đại học Thủ Đức bày bán các món ăn với thịt lợn như: cơm sườn, hủ tiếu, phở... vẫn hoạt động tấp nập. Các chủ quán thì cho rằng chỉ cần nấu chín thì sẽ không có nguy cơ lây bệnh cho người. Hơn nữa so với các loại thịt khác thì giá thịt lợn rẻ hơn nên trước mắt chưa thể tẩy chay loại thịt này được.
“Năm nào cũng thế, khi công bố dịch thì ai nấy đều kêu gọi tẩy chay thịt bệnh nhưng người dân ở đây vẫn ăn đâu có sao. Với lại thịt lợn cũng dễ chế biến với nhiều khẩu vị khác nhau từ kho, ram cho tới nấu canh nên dù sao vẫn không thể tẩy chay hoàn toàn được”, chị Loan, chủ một tiệm cơm sinh viên cho biết.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, đã có một số bệnh nhân tử vong do tiếp xúc với lợn bệnh và bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn qua các vết thương hở trên cơ thể.
Mới đây khi trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cảnh báo, rất khó để phân biệt thịt lợn mắc dịch tai xanh. Bởi thế, vì lý do nào đó mà vẫn tiếp tục chọn thịt lợn thì người dân khi đi mua thịt lợn cần quan sát kỹ, phải lựa miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Còn nếu tháy thịt cứng, nhão không nên mua vì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Thêm vào đó khi chế biến cần đun chín, tuyệt đối không dùng thịt tái.
Theo các bác sĩ, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời, có thể gây nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm khớp, viêm phổi, để lại những di chứng nặng nề như điếc. Những trường hợp nặng, bệnh nhân nhiễm trùng máu mà không được xử lý kịp thời, có thể sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Bệnh nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn với tỷ lệ có thể lên tới 7%.
Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm loại vi virus này như: sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, suy gan, suy thận... Trong trường hợp này người dân nên đưa bệnh nhân đến đến bệnh viện sớm để chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.